Founder của SSStutter cho biết thương hiệu này đang có kế hoạch rebranding nên sẽ đóng cửa một số kênh bán không còn phù hợp.
SSStutter là thương hiệu thời trang nam quen thuộc với những khách hàng yêu thích phong cách đơn giản, gọn gàng và tinh tế, đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường sau gần 10 năm thành lập. Hiện thương hiệu đang duy trì 2 cửa hàng tại Hà Nội và 2 cơ sở tại TP.HCM.
Tuy nhiên, ngay khi vẫn đang quảng bá cho bộ sưu tập mùa Giáng sinh 2024, SSStutter khiến khách hàng ngỡ ngàng khi fanpage Facebook đột ngột đăng thông báo đóng cửa, tặng quà tri ân những khách hàng đã đồng hành suốt 9 năm. Bài đăng đã nhận được gần 1.000 bình luận, phần lớn tỏ ra không tin thương hiệu sắp đóng cửa, hoặc thắc mắc lý do tại sao.
Ngay sau thông báo, SSStutter đăng một video của ông Thư Lê – Founder & CEO của thương hiệu chia sẻ về việc đóng cửa.
“ 9 năm trước, vào khoảng năm 2015, mình là một sinh viên 21 tuổi gặp nhiều khiếm khuyết về ngoại hình. Mình rất lùn, trông không được thông minh lắm. Quan trọng nhất là mình rất tự ti.
Thời điểm đấy, mình rất mong muốn mở ra một thương hiệu có thể giúp những anh em Việt Nam khác, những bạn trẻ đang trong độ tuổi trưởng thành có thể mặc được những trang phục tôn dáng hơn và tự tin hơn.
Vậy nên định hướng của mình cho SSStutter ngay từ đầu chưa bao giờ là một thương hiệu theo trend, vì bản chất mình không phải người mạnh về xu hướng. Nhưng mình rất hiểu khiếm khuyết của các bạn trẻ Việt Nam.
Sau 9 năm, mình tin rằng SSStutter chưa phải thương hiệu thành công, nhưng đã hình thành nên một nền văn hóa ăn mặc tinh gọn hơn, và giúp được rất nhiều bạn trẻ trên toàn Việt Nam.
Có một thứ không bao giờ thay đổi, đó chính là mọi thứ đều phải thay đổi theo thời gian. Và đã đến lúc SSStutter phải đóng cửa ”, CEO Thư Lê cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thư Lê cho biết đang có kế hoạch rebranding nên sẽ đóng cửa một số kênh bán không còn phù hợp.
Thời gian qua, nhiều local brand Việt Nam nổi tiếng đã rời thị trường. Cuối tháng 8, Catsa – thương hiệu thời trang nam với 22 cửa hàng trên toàn quốc, doanh thu từng lên đến cả trăm tỷ đồng/năm, lãi ròng chiếm gần 20% – tuyên bố đóng cửa sau 8 năm. Thương hiệu Elpis của KOL Lucie Nguyễn tiếp bước, dừng hoạt động sau 10 năm. Sau đó tới thương hiệu Lep’ của Founder Nguyễn Ngọc Trâm.
Một trong những thách thức lớn của các local brand là sự thay đổi chóng mặt của thị trường và xu hướng mua hàng của người tiêu dùng.
Thương mại điện tử lên ngôi, khách hàng chìm đắm vào sản phẩm trong các phiên live, các xưởng sản xuất bắt đầu tiếp cận trực tiếp với khách thông qua các KOL, KOC. Cùng với cuộc chiến giá trên các sàn thương mại điện tử, nhiều founder đã “không chịu được nhiệt” và phải rút thương hiệu khỏi thị trường.
Nhịp sống thị trường