0941.11.99.00

Hàng quán tại Tp.HCM thi nhau đóng cửa, trả mặt bằng: Chủ chuỗi Three O’Clock chỉ cách sinh tồn tại vị trí “vàng” quận 1, quận 3…, thậm chí mở rộng sang Ấn Độ

Hàng quán tại Tp.HCM thi nhau đóng cửa, trả mặt bằng: Chủ chuỗi Three O’Clock chỉ cách sinh tồn tại vị trí “vàng” quận 1, quận 3…, thậm chí mở rộng sang Ấn Độ

Chuỗi Three O’Clock từng lỗ liên tục, ế ẩm vì lỗi không có bãi gửi xe cho khách, dù đặt điểm bán tại vị trí đẹp.

Những ngày cận Tết thường là giai đoạn cao điểm tiêu dùng với hình ảnh hàng quán kín chỗ ngồi, mọi người tụ tập, họp mặt vui vẻ… thì năm nay, loạt nhà hàng tại Tp.HCM lại treo biển “đóng cửa”, “trả mặt bằng”.

Đặc biệt, trên tuyến đường ẩm thực Phan Xích Long, ghi nhận có gần 20 nhà hàng, quán cà phê thi nhau đóng cửa.

DOANH NGHIỆP PHẢI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH DOANH

Bà Thuận Nguyễn, CEO CTCP Teatime nhận xét, giá thuê mặt bằng ở Tp.HCM cao hơn các thành phố khác ở trong nước. Đây là điều dễ hiểu vì Tp.HCM có mật độ dân số cũng như mức thu nhập cao, sức mua lớn và nhu cầu thuê cao đến từ rất nhiều thương hiệu trong đa dạng nhóm ngành nghề, không chỉ có F&B mà còn là ngân hàng, khu vui chơi, khu phức hợp….

Bà cho biết, khó khăn hiện nay chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì thiếu lợi thế cạnh tranh dựa vào vị trí đẹp.

“ Giá thuê mặt bằng ngày càng tăng có thể dẫn đến việc một số doanh nghiệp chọn cách chuyển đổi mô hình kinh doanh trong tương lai, giảm bớt sự phụ thuộc vào mặt bằng và không gian vật lý ”, CEO Teatime nói.

Theo đó, nếu thương hiệu tận dụng được lợi thế nền tảng social media cũng như lợi thế về sản phẩm – dịch vụ tốt, có thể gia tăng tỷ lệ thu hút và giữ chân khách thay vì phụ thuộc quá nhiều vào mặt bằng.

Ảnh: CEO CTCP Teatime – Thuận Nguyễn.

ĐỂ TỒN TẠI Ở MẶT BẰNG “VÀNG”

Teatime đang vận hành chuỗi cà phê Three O’Clock – là một trong những “tân binh” mới tại thị trường cà phê Việt Nam được dẫn dắt bởi Thuận Nguyễn. Còn Thuận Nguyễn được biết đến là một nữ TikToker 9X.

Dù mới ra mắt, song Three O’clock Coffee là thương hiệu quen mặt với giới trẻ ở Tp.HCM với đặc điểm mở 24 giờ. Ban ngày, quán là một địa điểm hẹn hò, trò chuyện, gặp mặt bạn bè nhưng ban đêm lại trở thành nơi lý tưởng cho những bạn trẻ “chạy deadline”.

Thương hiệu hiện có khoảng 10 chi nhánh tại các khu vực trung tâm Tp.HCM như Trần Hưng Đạo (quận 1), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3)…

Chọn “ngách” kinh doanh riêng biệt và đặt cửa hàng tại các mặt bằng “vàng” ở Tp.HCM, Thuận Nguyễn chia sẻ khi bắt đầu kinh doanh dựa trên lợi thế mặt bằng, Công ty đã xác định cần có bức tranh tài chính cụ thể để cân nhắc cho chi phí thuê mặt bằng.

Một là phải đảm bảo phù hợp với tình hình kinh doanh được dự đoán.

Hai là tận dụng được ưu thế mặt bằng để đạt được mục đích tài chính khác, như để tối ưu chi phí quảng cáo, nâng cao vị thế thương hiệu…

Ảnh: Three O’Clock Trần Hưng Đạo.

Theo nữ CEO 9X, điều tiên quyết để Three O’Clock phát triển trong thời buổi hiện nay là phải tạo được dòng tiền.

“Bạn có 100 triệu đồng tiền vốn để kinh doanh và tạo ra doanh thu mỗi tháng là 300 triệu đồng. Dù tiền lãi bạn thu về chỉ vài chục triệu đồng nhưng bạn đã tạo được ra dòng tiền là 300 triệu đồng chỉ từ 100 triệu đồng ban đầu.  Vốn rất quan trọng trong kinh doanh nhưng tạo ra được dòng tiền và quản lý tài chính tốt thì còn là điều quan trọng hơn” , Thuận Nguyễn từng chia sẻ.

BÀI HỌC: MẤT KHÁCH VÌ LỖI BÃI GỬI XE

Trên TikTok, Thuận Nguyễn cũng nói về nhiều “case study” thú vị khác. Chẳng hạn như trong một video, TikTok Thuận T Nguyễn cho biết quán cà phê bà mở ra từng lỗ liên tục 3 năm thì nay đã có lãi đều đều hàng tháng.

Bà tâm sự, khi thuê mặt bằng, bà đã khá tâm đắc bởi có vị trí đẹp. Tuy nhiên khi bắt tay vào kinh doanh, Thuận Nguyễn đã hụt hẫng bởi không có doanh thu.

Năm đầu tiên sau khi mở quán, nhận thấy tình hình kinh doanh không được ổn, Thuận Nguyễn đã sốt sắng tìm hiểu lý do và biết được nguyên nhân chính đến từ việc không có chỗ giữ xe cho khách. Lúc bấy giờ, do ỷ vào bãi gửi xe công cộng đối diện quán cho nên khi thiết kế quán đã không chừa diện tích xây dựng bãi gửi xe riêng. Hậu quả là cửa hàng đã mất nhiều khách hàng, bởi khách gửi xe bên đường khá bất tiện và việc qua đường khá nguy hiểm.

Sau 2 năm nhận thấy không thể kéo dài tình hình này nên đã đóng cửa quán 1 tháng để trùng tu bãi gửi xe. Kết quả là quán đã đông khách hơn, doanh thu đã tăng cao nhưng sau đó lại gặp vấn đề lớn trong cách quản lý.

Ảnh: Teatime ký kết hợp đồng nhượng quyền độc quyền với FranGlobal.

Không chỉ “sống tốt”, Teatime mới đây còn ký kết hợp đồng nhượng quyền độc quyền với FranGlobal.

Theo thỏa thuận, FranGlobal sẽ chịu trách nhiệm phát triển hệ thống nhượng quyền thứ cấp tại Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, với cam kết mở ít nhất 100 chi nhánh trong vòng 10 năm. Chi nhánh đầu tiên dự kiến khai trương tại Hyderabad, thành phố lớn phía Nam Ấn Độ, vào tháng 5/2025.

Trước Three O’Clock, rất nhiều thương hiệu cà phê Việt cũng “mang chuông đi đánh xứ người” như Trung Nguyên Legend, Cộng cà phê… Đáng nói, Three O’Clock là một trong những “tân binh” mới tại thị trường cà phê Việt Nam được dẫn dắt bởi một nữ TikToker 9X – Thuận Nguyễn.

Nhượng quyền đang trở thành xu hướng phát triển thị trường quốc tế hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh ngành này có giá trị 2,92 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 4,38 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Với sự hợp tác cùng FranGlobal, Three O’Clock không chỉ mở rộng quy mô hoạt động mà còn khẳng định vị thế thương hiệu cà phê Việt trên bản đồ thế giới.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trả lời

×